Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

Làm gì khi bị gạ tình, quấy rối tình dục?

Tuần qua, dư luận bức xúc về scandal bị tố gạ tình của ca sĩ Phạm Anh Khoa đối với các nghệ sĩ nữ. Điều xã hội quan tâm là ai sẽ bảo vệ các chị em trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị quấy rối tình dục? Người bị quấy rối tình dục nên làm gì?

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc Công ty Luật DC Counsel (Luật Đức Chánh), hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể thế nào là quấy rối tình dục và trong Bộ luật Hình sự cũng không có tội danh quấy rối tình dục nên rất khó để bảo vệ chị em phụ nữ vì không có chế tài đủ sức răn đe, ngăn chặn hành vi này.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, hiện pháp luật chưa có quy định rõ ràng để xử lý hành vi quấy rối tình dục
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, hiện pháp luật chưa có quy định rõ ràng để xử lý hành vi quấy rối tình dục
Ông cho biết, theo khoản 2, điều 8 Bộ luật Lao động 2012 thì quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm. Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Bộ Lao động Thương binh Xã hội cùng Tổng Liên đoàn Lao động soạn thảo, công bố vào năm 2015 cũng có định nghĩ rõ về hành vi quấy rối tình dục là “hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu…". Tuy nhiên, ông cho biết: “Nhưng đây chỉ là văn bản có tính chất tham khảo, không có chế tài kèm theo”.
Chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi gạ tình, quấy rối tình dục
00:02:31
Chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi gạ tình, quấy rối tình dục
Luật sư Chánh cũng hướng dẫn những người bị quấy rối tình dục có thể dựa vào các điều luật liên quan để bảo vệ quyền lợi cho mình, trừng trị kẻ gây hại đến mình.
Cụ thể, người bị quấy rối tình dục có thể yêu cầu cơ quan chức năng xử lý người quấy rối mình dựa vào quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ đối với người “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”. Hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Ngoài ra, người bị quấy rối tình dục cũng có quyền khởi kiện dân sự, yêu cầu đối tượng quấy rối mình bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.
Các khoản mà người bị quấy rối tình dục có thể đòi bồi thường bao gồm các khoản: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút…); Khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu (mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở).
Tuy nhiên, ông Chánh cũng thừa nhận để đeo đuổi các vụ kiện trên rất nhiêu khê. Do đó, ông kiến nghị cơ quan lập pháp nên có quy định rõ ràng về tội danh quấy rối tình dục để tăng cường chế tài đủ sức răn đe ngăn chặn hành vi này, bảo vệ sức khỏe và môi trường làm việc an toàn cho chị em phụ nữ.
Ông nêu lý do: “Bởi hành vi quấy rối tình dục không chỉ là làm tổn thương đến thân thể, tinh thần người bị hại mà còn là hành vi méo mó, không đúng với thuần phong mỹ tục của Việt Nam!”.
Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

Nạn nhân tai nạn giao thông được bồi thường những gì?

Gia đình người gây tai nạn không nhất trí bồi thường cho nạn nhân mà chỉ thăm hỏi bằng hiện vật như đường sữa, thuốc bổ… Như vậy có đúng không? Theo quy định của pháp luật thì nạn nhân tai nạn giao thông sẽ được bồi thường như thế nào?.


Bồi thường khi bị tai nạn giao thông?
00:03:27
Bồi thường khi bị tai nạn giao thông?
Trong chương trình 3 phút cùng luật sư của báo Dân trí, luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc công ty luật DC Counsel (Luật Đức Chánh) sẽ trả lời các thắc mắc trên của bạn đọc.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc công ty luật Đức Chánh
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc công ty luật Đức Chánh
Thưa luật sư, có bạn đọc gửi về chương trình câu hỏi như sau: “Tôi là nạn nhân trong một vụ tai nạn giao thông. Gia đình người gây tai nạn không nhất trí bồi thường cho tôi mà chỉ thăm hỏi tôi bằng hiện vật như đường sữa, thuốc bổ… Xin cho hỏi theo quy định của pháp luật tôi sẽ được bồi thường như thế nào?”
Kính chào bạn đọc Dân trí đang theo dõi chương trình 3 phút cùng luật sư!
Về câu hỏi này, tôi xin trả lời như sau:
Theo các quy định liên quan đến bồi thường thiệt hại, trường hợp của bạn được quy định tại điều 609  Bộ luật Dân sự năm 2005.
Cụ thể, về thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm sẽ bao gồm các khoản sau:
Đầu tiên là chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
Thứ hai là thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
Thứ ba là chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Ngoài ra, người thiệt hại còn có thể đòi một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định rất rõ trách nhiệm bồi thường của người gây ra tai nạn giao thông
Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định rất rõ trách nhiệm bồi thường của người gây ra tai nạn giao thông
Nhưng trong trường hợp người gây tai nạn kiên quyết không chịu bồi thường thì sao thưa luật sư?
Nếu giữa người bị nạn với người gây tai nạn không thể thoả thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại, thì người bị nạn có thể nộp đơn khởi kiện, yêu cầu Toà án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật.
Người bị nạn yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý, về thu nhập của mình.
Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút trong trường hợp này là những khoản nào thưa luật sư?
Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP có hướng dẫn cụ thể thực hiện điều 609 Bộ luật Dân sự.
Theo đó, chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm:
- Tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế;
- Tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sĩ;
- Tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sĩ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).
Xin cảm ơn luật sư đã tư vấn cho bạn đọc Dân trí!
Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Ngọc Tiến (thực hiện)

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2018

Người đi xe máy sẽ bị tước giấy phép lái xe nếu vi phạm các lỗi nào?

Hôm trước, tôi chở con đi học về, mải chạy theo đuôi các xe trước nên tôi chạy vượt qua đèn vừa bật đỏ. Tưởng lỗi nhỏ chỉ bị phạt vài trăm nghìn nhưng anh CSGT lập biên bản và bảo lỗi này bị tước giấy phép lái xe. Xin hỏi anh CSGT làm vậy có đúng không?


Về câu hỏi trên, luật sư Nguyễn Đức Chánh, giám đốc công ty luật DC Counsel (Luật Đức Chánh), trả lời như sau:
Chào bạn, theo như bạn miêu tả thì CSGT đã xử lý đúng luật. Cụ thể, theo Điểm c Khoản 4 Điều 6 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/8/2016 thì người không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm này còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Ngoài ra, nghị định này cũng quy định rất nhiều trường hợp mà người lái xe máy vi phạm sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 24 tháng, có hành vi còn bị tịch thu phương tiện, tùy vào mức độ vi phạm, hành vi lỗi.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP có tất cả 55 lỗi mà người đi xe máy vi phạm sẽ bị tước giấy phép lái xe (ảnh: Đình Thảo)
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP có tất cả 55 lỗi mà người đi xe máy vi phạm sẽ bị tước giấy phép lái xe (ảnh: Đình Thảo)
Cụ thể như sau:
1/ Các hành vi vi phạm bị tước giấy phép lái xe:
Chở theo từ 03 (ba) người trở lên trên xe.
Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy.
Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h.
Tổ chức thực hiện hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 9, Khoản 10 Điều 5; Điểm b Khoản 8, Khoản 10 Điều 6; Điểm b Khoản 7 Điều 7; Điểm b Khoản 6 Điều 33.
Điều khiển xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép.
Vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển; vượt đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung khi đi qua đường ngang, cầu chung.
Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; vượt xe hoặc chuyển làn đường trái quy định gây tai nạn giao thông.
Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
- Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;
- Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị;
- Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
- Điều khiển xe thành nhóm từ 02 (hai) xe trở lên chạy quá tốc độ quy định.
Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm d, Điểm đ, Điểm h Khoản 2; Điểm c, Điểm đ, Điểm h, Điểm m Khoản 3; Điểm c, Điểm d, Điểm g, Điểm i Khoản 4; Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm e Khoản 5; Điểm b Khoản 7; Điểm a Khoản 8; Điểm d Khoản 9 Điều 6 và gây tai nạn giao thông.
Không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” và gây tai nạn giao thông.
Chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho: Người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ; xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho xe thô sơ và gây tai nạn giao thông.
Chuyển hướng không nhường đường cho: Các xe đi ngược chiều; người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ và gây tai nạn giao thông.
Lùi xe mô tô ba bánh không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước và gây tai nạn giao thông.
Sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều và gây tai nạn giao thông.
Chở người ngồi trên xe sử dụng ô (dù) và gây tai nạn giao thông.
Không tuân thủ các quy định về nhường đường tại nơi đường giao nhau, trừ các hành vi vi phạm quy định tại các Điểm d Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều 6 và gây tai nạn giao thông.
Điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ 3 (ba) xe trở lên và gây tai nạn giao thông.
Không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn và gây tai nạn giao thông.
Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau và gây tai nạn giao thông.
Tránh xe không đúng quy định; không nhường đường cho xe đi ngược chiều theo quy định tại nơi đường hẹp, đường dốc, nơi có chướng ngại vật và gây tai nạn giao thông.
Quay đầu xe tại nơi cấm quay đầu xe và gây tai nạn giao thông.
Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường và gây tai nạn giao thông.
Không giảm tốc độ hoặc không nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính và gây tai nạn giao thông.
Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 03 (ba) xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật và gây tai nạn giao thông.
Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên và gây tai nạn giao thông.
Dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, điểm dừng đón trả khách của xe buýt, nơi đường bộ giao nhau, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; đỗ xe tại nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều 48 và gây tai nạn giao thông.
Điều khiển xe chạy dưới tốc độ tối thiểu trên những đoạn đường bộ có quy định tốc độ tối thiểu cho phép và gây tai nạn giao thông.
Người ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe, trừ trường hợp chở trẻ em ngồi phía trước và gây tai nạn giao thông.
Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính và gây tai nạn giao thông
Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức) và gây tai nạn giao thông.
Chở theo từ 03 (ba) người trở lên trên xe và gây tai nạn giao thông.
Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và gây tai nạn giao thông.
Dừng xe, đỗ xe trên cầu và gây tai nạn giao thông.
Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà và gây tai nạn giao thông.
Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định và gây tai nạn giao thông.
Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người được chở trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác và gây tai nạn giao thông.
Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông và gây tai nạn giao thông.
Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc và gây tai nạn giao thông.
Chạy trong hàm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần; vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ và gây tai nạn giao thông.
Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ và gây tai nạn giao thông.
Dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định và gây tai nạn giao thông.
Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Vi phạm các quy định sau đây mà gây tai nạn giao thông hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ:
- Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe.
- Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị.
- Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh.
- Điều khiển xe thành nhóm từ 02 (hai) xe trở lên chạy quá tốc độ quy định.
Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy (trong trường hợp có Giấy phép lái xe).
2/ Các hành vi vi phạm bị tước giấy phép lái xe, đồng thời bị tịch thu phương tiện:
Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.
Tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần các lỗi sau đây:
- Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;
- Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị;
- Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
- Điều khiển xe thành nhóm từ 02 (hai) xe trở lên chạy quá tốc độ quy định.
Đua xe trái phép.
Tùng Nguyên ghi